Vì Sao Đọc Nhiều Sách Vẫn Không Giỏi
Thảo
Th 2 27/09/2021
Dọc, đọc, đọc rất nhiều nhưng VÌ SAO ĐỌC NHIỀU SÁCH VẪN KHÔNG GIỎI?
Lịch sử nhân loại trải qua hàng nghìn năm, hầu như tất cả tinh hoa kim cổ đều hội tụ trong những trang sách.
Nhà văn Hans Christian Andersen, “ông vua kể chuyện cổ tích” đã nói: “Người càng thông thái, càng đọc nhiều, và những người thông thái nhất là những người đọc nhiều nhất.”
Bạn hiểu rõ điều này và luôn tự hào rằng bản thân đã đọc rất nhiều sách. Bạn luôn hãnh diện với mọi người rằng trong nhà mình có tủ sách thật lớn!
Thế nhưng dù đã đọc nhiều sách thế nào, bạn vẫn có cảm giác như mình đang “dậm chân tại chỗ”, mãi vẫn chẳng thấy tiến bộ! Bạn không thể vận dụng những điều đã học được vào thực tế cuộc sống. Cuộc đời mười mấy, mấy chục năm miệt mài đọc sách mà vẫn chưa thay đổi như ý muốn!
Vậy, đã bao giờ bạn thử dừng lại và tự hỏi, rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu?
Bạn thân mến, điểm mấu chốt không nằm ở số lượng sách bạn đã đọc. Điểm mấu chốt nằm ở loại sách bạn chọn lựa và cách bạn đọc chúng như thế nào!
Nhiều người hay mắc sai lầm ở giai đoạn này: Đọc rất nhiều, nhưng đọc vô tội vạ, sách gì cũng đọc; Đọc một cách hời hợt, qua loa, trăm cuốn như một! Đọc xong mà không nắm được điều cốt lõi, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải; Đọc mà thiếu sự Quan sát - Phân tích - Đúc kết!
Cho nên cho dù đọc cả trăm quyển mà mãi vẫn không thấy tiến bộ là điều hiển nhiên!
Nếu bạn không biết cách chọn đúng loại sách cần đọc và nắm được cách đọc sách hiệu quả thì dù cho có đọc bao nhiêu sách hay, bạn mãi vẫn chỉ là kẻ đi “Sưu tầm kiến thức” và mãi chỉ đứng ngoài sự hấp thu, phát triển tinh hoa của nhân loại.
Vậy làm thế nào để biết được sách nào nên đọc và đọc thế nào cho hiệu quả?
Đầu tiên, việc chọn đúng loại sách là điều kiện tiên quyết!
“Hãy cho tôi biết 3 quyển sách bạn tâm đắc nhất, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.” Sách hay chính là thức ăn của tâm hồn, thức ăn của 3 Gốc. Bạn chính là những gì bạn “ăn”!
Hãy xem lại tủ sách nhà bạn đang có những sách gì?
- Nếu chỉ là truyện tranh, sách ngôn tình, tiểu thuyết, sách chuyên ngành...thì chưa phải là tủ sách hay.
Tủ sách hay phải là sách tinh hoa: là sách về các tấm gương vĩ nhân, anh hùng, về các nhà bác học, nhà thám hiểm; sách giúp rèn luyện nhân cách, đạo đức…Là những kiến thức có thể thực sự tác động và làm thay đổi cuộc sống, nhận thức, tư duy của bạn!
Hãy luôn ghi nhớ: Đọc 1 quyển sách tinh hoa thì bằng với việc đọc 100 quyển sách thông thường. Đọc 100 quyển sách thường tương đương với 1000 quyển ngôn tình. Thế nhưng việc đọc 1000 quyển ngôn tình lại không bằng đọc 1 quyển tinh hoa!
Vậy nên hãy thật sáng suốt lựa chọn những cuốn sách thật sự hữu ích cho cuộc đời và sự phát triển của mình.
Sau khi đã chọn được sách hay, việc đọc như thế nào sẽ quyết định hiệu quả mà sách mang lại.
Albert Einstein đã nêu quan điểm: “Người đọc quá nhiều và dùng tới bộ óc quá ít sẽ rơi vào thói quen suy nghĩ lười biếng.” Đọc nhiều chưa hẳn là tốt! Đọc nhiều mà không tư duy, lười suy nghĩ thì những gì bạn đọc và học...rốt cuộc cũng sẽ chẳng đọng lại được gì.
Đọc một cuốn sách, tiếp thu một kiến thức mới, luôn phải có tư duy, phải có tiến trình Quan sát - Phân tích - Đúc kết. Phải đọc thật sâu, ngẫm thật kỹ; phải mổ xẻ, phân tích từng ý, từng lớp nội dung để nắm được thông điệp cốt lõi mà tác giả muốn truyền tải. Từ đó rút ra được bài học, biến kiến thức của người thành kiến thức của mình để vận dụng vào thực tế đời sống. Tiến trình này rất quan trọng, ngoài cho việc đọc sách thì có thể áp dụng cho việc học và mọi lĩnh vực khác.
Ý thức được giá trị, tầm quan trọng của sách và xây dựng thói quen đọc sách là rất đáng khen. Tuy nhiên, phải luôn sáng suốt trong việc lựa chọn loại sách phù hợp và nắm được cách đọc sách đúng, có như vậy mới thực sự đem lại sự chuyển biến trong tâm thức, đem đến sự thay đổi và những bước tiến mới cho cuộc đời.
Nắm được điều này chính là nắm giữ được chìa khóa để mở ra kho tàng tinh hoa của nhân loại.