Không thể phủ nhận, 7 thói quen mà tác giả nêu ra trong cuốn sách chính là căn cơ, nền tảng cốt lõi, là bí quyết trọng yếu để xây dựng lên một con người thành đạt. Vận động viên bơi lội vĩ đại nhất thời đại, Michael Phelps cũng từng chia sẻ nhờ có phương pháp chủ động đặt mục tiêu Mơ, Hoạch định và Chinh phục trong cuốn sách đã tiếp bước cho ông ấy nhận ra giấc mơ và mục tiêu của bản thân mình.
Bên cạnh những người thành công như Michael Phelps, cũng có rất nhiều người thất bại. Có người sau khi đọc xong thì cho rằng ở đây toàn là những thói quen “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. “Thật là một cuốn sách thị trường chẳng gợi nên chút thay đổi nào!”.
Họ không biết rằng thực tế không có ai, không có bất cứ thứ gì có thể đủ sức mạnh truyền cảm hứng cho bất cứ ai, ngoại trừ chính bản thân họ. Chỉ khi đủ khao khát thay đổi bản thân mạnh mẽ, bạn mới có thể tìm thấy lộ trình thành công trong cuốn sách. Vậy nên đừng phủ nhận những giá trị cốt lõi của một cuốn sách có thể dạy bạn những điều hay ho nếu bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng. Bởi vì “cánh cổng thay đổi mỗi người chỉ đến từ bên trong“(Mr. Ferguson)
Chỉ cần bạn muốn từ tận đáy lòng, cuốn sách “7 thói quen hiệu quả” này chắc chắn sẽ là tấm chìa khóa giúp bạn khai mở bến bờ tri thức đích thực, phát triển những tiềm năng vốn có và thay đổi chính bản thân để “tạo dựng phẩm giá” trong cuộc sống vốn xô bồ, tấp nập này.
Tấm bản đồ mô thức thành đạt
Những suy nghĩ xấu đang ngăn chặn bước đi của bạn đến với thành công như sự sợ hãi khó khăn thử thách, tâm lý nạn nhân thích đổ lỗi, thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ luôn bất biến không thay đổi dù 100 năm, 1000 năm tiếp theo. Vậy nên mọi tư tưởng trong “7 thói quen hiệu quả” sẽ tiếp tục sống mãi, để làm tròn trách nhiệm chỉ dẫn mọi người, thay đổi những thói quen xấu vốn có, thực hành 7 thói quen để thành đạt.
Trong các phần của cuốn sách, Covey trước tiên nêu mô thức và nguyên lý nền tảng của tính hiệu quả, nguyên lý phát triển từ bên trong để tạo ra 7 thói quen. Sau đó, ông mới đi sâu vào phân tích và đưa ra những lời giải đáp chuyên môn kèm theo các ví dụ, các câu chuyện để độc giả dễ hiểu.
Bạn hãy hiểu mô thức, đơn giản như một “tấm bản đồ” chỉ dẫn nơi mà bạn muốn đến. Để tránh lạc đường, tránh gặp những “ổ gà”, “ổ voi” hoặc đi quá lâu, kém hiệu quả, bạn phải nỗ lực tìm cách điều chỉnh hành vi của mình theo mô thức đó. Vì mọi mô thức là cội nguồn của thái độ và hành vi của chúng ta. Đúng hay sai, thành công hay thất bại đều tùy thuộc vào mô thức bạn chọn.
thói quen để thành đạt – Thói quen bất diệt của người làm việc hiệu quả
Covey nêu 7 thói quen để mọi người cùng nhau tìm thấy “mô thức” lột xác con người và cuộc đời chính mình
- Thói quen thứ nhất là làm chủ chính mình. Bởi vì nếu cuộc đời con người là sản phẩm của những điều kiện và hoàn cảnh sống, nên dù có ý thức hay không, thì con người có quyền lựa chọn cho phép những điều đó kiểm soát cuộc đời. Ai mang trong mình “cây dù thời tiết” thì dù nắng hay mưa, bạn vẫn luôn vững vàng, đặt giá trị “tạo ra chất lượng cao trong công việc”.
- Thứ hai đó là thói quen bắt đầu bằng đích đến. Nó được tạo trên nguyên lý rằng tất cả mọi thứ đều được tạo lập hai lần, lần đầu là sự tạo lập trong tâm trí, và lần hai là sự tạo lập trong thế giới vật lý. Trước khi bạn khởi hành hãy xác định đích đến và tìm lộ trình tối ưu nhất.
- Thói quen thứ ba là ưu tiên điều quan trọng. Đây là nguyên lý bắt buộc trong việc quản lý thời gian. Vì như Goeth nói:”Những điều quan trọng nhất không bao giờ được lùi bước vì những thứ tầm thường”.
- Thói quen thứ tư là tư duy cùng thắng. Con người là giống loài ích kỷ, thiếu sự hợp tác mà không biết rằng khi bạn càng hào phóng, càng mang lại lợi ích cho đôi bên, bạn sẽ càng thành công vang dội.
- Thói quen thứ năm là thấu hiểu rồi được hiểu. Đây là thói quen quyết định phẩm giá và khả năng lắng nghe thấu hiểu, giao tiếp của bạn. Trước khi thấu hiểu, “chuẩn bệnh” cho ai đó, bạn buộc phải “kê toa” cho chính mình. Hãy chủ động lắng nghe chính mình và lăng kính của mọi người xung quanh.
- Thói quen thứ sáu là hợp tác cộng sinh. Đó chính là thói quen hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh. Đừng tỏ ra phòng thủ nữa, mà hãy học cách tôn trọng sự khác biệt và cùng cộng hưởng.
- Thói quen cuối cùng là rèn mới bản thân. Hãy lập trình lại cuộc đời vì nó đánh thức bản chất tốt đẹp nhất trong mỗi con người, đừng để bản thân bị nhìn nhận và đối xử như kẻ thất bại.
Hãy lưu tâm lăng kính mà bạn nhìn cuộc đời
Mỗi người đọc đều sẽ nhận ra Stephen R.Covey đang gắng sức tạo sự khác biệt cho mỗi một người đọc sách, những tác động mang tính “đổi đời” hơn bất cứ một bài giảng nào ta từng học.
Câu chuyện có thể sẽ khiến nhiều độc giả tâm đắc, là một câu chuyện trong thói quen thứ 7 – một ví dụ trong hành trình rèn mới bản thân của Covey. Câu chuyện kể về chiếc máy tính ở Anh bị lập trình sai nên phân loại những học sinh “thông minh” vào nhóm “kém” và ngược lại. Báo cáo xuất từ chiếc máy tính này là yếu tố hình thành nên nhận thức của giáo viên về học sinh từ đầu năm học.
Sau năm tháng rưỡi, khi ban giám hiệu nhà trường phát hiện lỗi sai, đáng kinh ngạc là những đứa trẻ thông minh bị sụt điểm đáng kể còn học sinh được cho là kém thì có tiến bộ vượt bậc.
Câu chuyện xảy ra giống như đại danh hào Goethe từng nói: “Đối đãi với một người qua hiện trạng của anh ta, anh ta sẽ ở mãi hiện trạng ấy. Đối đãi với một người qua tiềm năng của anh ta, anh ta sẽ trở thành người mà anh ta có thể trở thành và nên trở thành.”
Tất nhiên là điều này hoàn toàn có thể không đúng khi nêu ví dụ ở chốn công sở. Nếu sếp đối xử với bạn như thể bạn là người thừa, điều đó không có nghĩa là bạn vô dụng. Nhưng nếu một sinh viên thực tập được ông chủ xem trọng, nhiều khả năng anh ta hoặc cô ta, chính là một nhân viên chủ chốt trong tương lai của công ty này!
Cái mà tác giả muốn nhấn mạnh ở đây, đó là chỉ cần mỗi chúng ta thay đổi lăng kính của chính mình về những người xung quanh, cuộc sống sẽ gần như lập tức tốt đẹp hơn. Dẫu biết rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, nhưng chỉ cần luôn tự động viên chính mình, luôn rèn giũa bản thân, cho phép mình hoàn thiện hơn sẽ không có gì ngăn cản được bạn đến với thành công.
Tất nhiên tự nhủ động viên thôi là chưa đủ, phải HÀNH ĐỘNG ĐỂ TIẾN ĐẾN CÁI ĐÍCH CUỐI CÙNG, mới là hoàn hảo bạn nhé. Nếu chỉ tự động viên tinh thần thôi và không làm gì cả, cái kết ai cũng rõ, chẳng khác nào bạn đang tự ảo tưởng như nhân vật AQ chính truyện của Lỗ Tấn!!!