Tôi Tự Học
“Tôi tự học” là cuốn sách chỉ dẫn bạn cách tạo ra giá trị cho bản thân thông qua phương pháp tự học. Trong cuộc sống hay trong quá trình học tập, rất nhiều người nỗ lực cố gắng học mỗi ngày với mục đích không gì ngoài việc đạt được thành công. Cha mẹ cũng vậy, đều mong rằng con cái học hành để đạt được thành tựu trong cuộc sống.
Thông qua cuốn sách, tác giả chỉ ra cho độc giả mục đích đích thực của việc học không dựa trên giá trị của việc kiếm ra tiền mà để tự biết mình, mở rộng kiến thức của bản thân và học cách đối nhân xử thế.
“Tôi tự học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần còn dùng tư duy phản biện cùng chọn lọc kỹ lưỡng để đem đến những phương pháp gợi ý về tự học, tự đào luyện cho mình một nền tảng văn hóa vững chắc. Ấy là khi mỗi người tự biết điều hòa cái học vững chắc về cả bề sâu lẫn bề rộng.
Đồng thời, cuốn sách cũng khẳng định và khuyến khích mạnh mẽ tinh thần tự học và học suốt đời. Độc giả của “Tôi tự học” sẽ tìm thấy cho bản thân mình về lý do, mục tiêu và hành trình học hỏi trong cuộc đời.
Nghề Thầy
Nghề giáo trong con mắt Hoàng Đạo Thúy không chỉ dạy học mà là khai sáng kiêm hoạt động xã hội. Theo ông, người thầy phải "đủ lòng yêu trẻ", "đủ lòng tin ở vận mệnh nước mình, ở xã hội này có thể thái bình và tốt đẹp được", từ đó "cả quyết rằng việc giáo dục thanh niên là việc mình, là cả đời mình".
Hoàng Đạo Thúy nhấn mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện bao gồm "Đức, Chí, Thể, Trí, Công". Trong đó, việc rèn luyện cho trẻ có "Chí" quan trọng, khiến trẻ trở thành người tử tế, có ích.
Giáo dục với người thầy bắt nguồn từ những việc nhỏ nhặt như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, giao thiệp với phụ huynh, quan chức ở địa phương, chấm bài, sửa bài, hướng dẫn học sinh làm thủ công... Ở từng việc, Hoàng Đạo Thúy chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp đúc rút từ sách vở và chính trải nghiệm làm thầy của mình.
Tác giả phân tích về sứ mệnh người thầy: "Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được".
Sách cũng nói về sự cần thiết của mối quan hệ hai chiều giữa gia đình và nhà trường, cha mẹ và giáo viên trong việc giáo dục học sinh. Theo Hoàng Đạo Thúy, giáo dục phải bắt đầu từ khi đứa trẻ còn là bào thai. Tác giả khuyên các bà mẹ khi mang thai nên hướng thiện, biết cân nhắc lời ăn tiếng nói để con có được nhân cách tốt.
Sau gần 80 năm, đa số vấn đề tác giả đặt ra, bàn luận cho đến hôm nay vẫn còn mới mẻ. Nhà nghiên cứu, tác giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng nếu loại trừ cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn thời đại đã qua, thay vào đó bằng một số từ đang được dùng phổ biến, ta sẽ thấy cuốn sách như được viết cho chính những người đang làm "nghề thầy" trong thế kỷ 21.