“Hơi thở nuôi dưỡng – Hơi thở trị liệu” là một cuốn sách tổng hợp lại những bài dạy về phương pháp ngồi thiền của thiền sư Thích Nhật Hạnh. Đây là kiến thức được thiền sư đúc kết từ chính con đường tu luyện của thầy, tuy nhiên nếu có kiến thức về thiền, các bạn sẽ thấy được rằng nó có những điểm cơ bản khá giống với những môn phái thiền khác.
Cuốn sách này dành cho những người mới bắt đầu và đang muốn tìm hiểu về thiền, thế nhưng ngay cả những người có kinh nghiệm lâu năm cũng chưa chắc đã hiểu và thực hành được hết 16 phép quán niệm hơi thở này. Chính bản thân tác giả – thiền sư Thích Nhật Hạnh đã viết như sau trong sách:
"Chúng ta không nhất thiết phải thực tập tất cả mười sáu phép quán niệm hơi thở mà Bụt đã đưa ra cùng một lúc hoặc thực tập theo trình tự của từng bài tập. Nếu hiểu được sâu sắc bản chất của mười sáu phép quán niệm hơi thở và nguyên do tại sao Bụt đã đưa ra để thực tập, ta sẽ biết những bài nào cần thực tập trước. Khi bắt đầu ngồi thiền, trước tiên ta thực tập bốn phép thở đầu để thiết lập sự vững chãi và chế tác niềm hỷ lạc cho thân tâm. Bốn phép thực tập này thuộc về lĩnh vực điều thân. Sau đó ta chọn một phép thở trong mười phép thở còn lại kết hợp cho tình trạng tâm lý của ta để thực tập. Nếu ta muốn đi sang một phép thở khác, ta có thể ngưng lại phép thở ta đang thực tập và bắt đầu chuyển sang bài tập khác. Ta phải khôn khéo và thông minh trong sự thực tập, biết bài tập nào có lợi cho tình trạng thân tâm của ta vào thời điểm đó".
Hãy cùng tìm hiểu về 16 phép quán niệm hơi thở của thiền sư Thích Nhật Hạnh,
1.Nhận diện hơi thở
Thở vào, ý thức rằng tôi đang thở vào. Thở ra, ý thức rằng tôi đang thở ra.
Đây là bài tập đầu tiên, không quá khó nhung lại có hiệu quả rất lớn. Nó giúp đưa tâm của mình trở lại với thân. Hầu hết chúng ta đều đang sống trong thất niệm, làm mọi việc với tâm ở một nơi mà thân ở một ngả, hay nói cách khác chúng ta đang không sống với những giây phút hiện tại. Trong lúc thở mà biết là mình đang thở thì tâm của chúng ta cũng sẽ hướng theo hơi thở, không còn lo nghĩ về chuyện quá khứ hay tương lai nữa.
2.Đi theo hơi thở
Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.
Hơi thở có chiều dài của nó. Nó có điểm bắt đầu và chỗ chấm dứt. Trong khi thở vào mình phải bám sát lấy hơi thở từ đầu cho đến cuối. Tôi đang thở vào và tôi biết tôi đang thở vào. Tâm của mình hoàn toàn bám lấy hơi thở và không có một giây phút nào rời hơi thở.
Hơi thở đầu là đem tâm trở về với thân và hơi thở thứ hai là có mặt một cách liên tục không gián đoạn.
3.Ý thức toàn thân
Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.
Trong khi thở vào và thở ra chúng ta chế tác một năng lượng chánh niệm. Năng lượng này giúp chúng ta có mặt trong giây phút hiện tại. Vì vậy có thể định nghĩa: năng lượng chánh niệm là năng lượng giúp bản thân thực sự có mặt trong giây phút hiện tại để biết được những gì đang xảy ra trong giây phút ấy. Năng lượng này do chính mình chế tác ra trong khi thở vào và thở ra. Dùng năng lượng đó để tiếp tục nhận diện sự có mặt của thân thể mình chính là mục đích của bài tập thứ ba.
4.Buông thư toàn thân
Ta thở vào, thở ra và ôm ấp thân thể ta với năng lượng chánh niệm và làm cho thân thể ta an tịnh, lắng dịu và buông thư trở lại.
Buông thư toàn thân có nghĩa là làm cho hình hài lắng dịu xuống, làm cho những căng thẳng đi ra khỏi thân thể. Khi những căng thẳng dịu xuống thì những đau nhức cũng theo đó mà giảm thiểu.
Chúng ta có thể buông thư toàn thân trong tư thế ngồi, trong tư thế nằm, trong tư thế đứng, và ngay cả trong tư thế đi mình cũng có thể buông thư toàn thân được. Mỗi bước chân thảnh thơi giúp mình loại bỏ những căng thẳng ra ngoài.
Thử nhớ lại xem các bạn đã bao giờ đi bộ trong “thất niệm” với những bước chân nặng trĩu đầy u sầu chưa? Chắc chắn những bước chân buông thư toàn thân sẽ giúp các bạn cảm thấy rất thoải mái.
5.Chế tác mừng vui
Thở vào, tôi cảm thấy mừng vui. Thở ra, tôi cảm thấy mừng vui.
Với hơi thở thứ 5, chúng ta đi sang lĩnh vực cảm giác. Chúng ta có thể nhìn cơ thể mình như một dòng sông. Trong dòng sông đó mỗi tế bào là một giọt nước.
Trong cơ thể của mình có một dòng sông cảm giác tuôn chảy đêm ngày, mỗi cảm giác là một giọt nước của dòng sông. Những cảm giác đó được phát triển, tồn tại một thời gian rồi tiêu diệt để nhường chỗ cho những cảm giác mới phát triển.
6.Chế tác hạnh phúc
Thở vào, tôi cảm thấy hoan lạc. Thở ra, tôi cảm thấy hoan lạc.
Mỗi chúng ta đều có khả năng chế tác sự mừng vui và hạnh phúc. Những phương pháp để chế tác ra hạnh phúc là: ly, niệm, định, tuệ.
Ly là phương pháp buông bỏ để đạt đến hỷ lạc. Ví dụ như khi chúng ta cảm thấy rất vui khi có được những ngày nghỉ dưỡng ở nông thôn tràn đầy thiên nhiên. Chúng ta đạt được nó cũng chính là nhờ đã dám chấp nhận và buông bỏ cái thành phố ồn ào, bụi bặm mà ta đang sống hàng ngày.
Niệm có nghĩa là sống trong chánh niệm. Biết được, nhận diện được những cái gì đang thực sự xảy ra trong giây phút hiện tại sẽ sinh ra hạnh phúc. Chỉ cần thở vào, thở ra và nhận biết được điều đó chúng ta đã có thể cảm nhận được hạnh phúc. Chúng ta nhận ra mình đang sống với một cơ thể khỏe mạnh. Đó là niềm vui có được nhờ chánh niệm.
Duy trì được chánh niệm lâu dài sẽ sinh ra Định. Định càng hùng thì niệm càng hùng và hạnh phúc càng lớn. Ví dụ: Khi uống một tách trà thơm mà nếu có niệm thì mình thực sự có mặt trong giây phút hiện tại. Mình có mặt trong giây phút hiện tại thì chén trà trở thành một cái gì có thật. Còn nếu mình không có mặt, nếu tâm mình ở chỗ khác thì rõ ràng mình uống trà mà không biết là mình đang uống trà. Mình là một bóng ma không có thực mà chén trá cũng là một bóng ma không có thực. Tại vì mình đang bị kẹt vào trong cái lo lắng, buồn khổ, đang toan tính thì không có ai ngồi đó để mà uống trà hết, mà cũng không có trà để uống. Mình uống trà như một cái máy. Vì vậy cho nên có niệm, có định thì tất cả đều trở thành sự thật. Điều đó đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.
7.Nhận diện niềm đau
Thở vào, tôi ý thức về những hoạt động của tâm ý trong tôi. Thở ra, tôi ý thức về những hoạt động của tâm ý trong tôi.
Chúng ta có ba loại cảm giác: cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu và cảm giác trung tính. Bài tập thứ 5 là để chế tác những cảm giác dễ chịu. Bài tập thứ 6 cũng là để chế tác những cảm giác dễ chịu. Còn bài tập thứ 7 là để xử lý những cảm giác đau buồn, để ôm lấy niềm đau. Ta không giả bộ rằng ta không có niềm đau. Mình phải có can đảm chấp nhận sự có mặt của những niềm đau, nỗi khổ. Và phải dùng những năng lượng chánh niệm mà mình đã chế tác để nhận diện và ôm ấp lấy niềm đau nỗi khổ của mình. Đó là bài tập thứ 7, bài tập này bất cứ người hành giả nào cũng có thể làm được. Khi mình có niềm đau, nỗi khổ nếu mình biết dùng năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm lấy niềm đau nỗi khổ ấy thì dù chưa làm gì hết mình đã bớt khổ rồi. Năng lượng thứ nhất là năng lượng khổ được năng lượng thứ hai là chánh niệm săn sóc, bảo hộ.
8.Ôm lấy niềm đau
Thở vào, tôi nhận diện cảm thọ không dễ chịu đang có mặt trong tôi. Thở ra, tôi làm cho cảm thọ không dễ chịu trong tôi êm dịu trở lại.
Thực tập hơi thở mình sẽ làm phát khởi năng lượng của chánh niệm. Và kết quả là hơi thở thứ 8 giúp mình có thể làm lắng dịu niềm đau. Mình chưa thể chuyển hóa được niềm đau tận gốc. Nhưng chỉ cần mình có thể nhận diện được nó, ôm lấy nó một cách rất là dịu dàng, rất là trìu mến thì niềm đau đó sẽ dịu xuống, khổ đau đã vơi bớt rất nhiều
9. Nhận diện tâm
Thở vào, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi. Thở ra, tôi ý thức về những hoạt động tâm ý trong tôi.
8 hơi thở vừa qua thuộc về lĩnh vực cảm giác. Tới hơi thở thứ 9 chúng ta bước sang lĩnh vực của tâm.
Tâm ở đây tức là tâm hành, trong đạo Bụt có nói tới 51 tâm hành (buồn, vui, thương, ghét, tuyệt vọng,v.v..). Tâm ở đây không phải là cái gì trừu tượng nữa mà là cái mình biết rất rõ. Tâm tựa như là một dòng sông trong đó có 51 tâm hành đang tuôn chảy trên dòng sông ấy.
Có những loại tâm hành tiêu cực như: giận hờn, ganh tị, thù hận… Trong bài tập thứ 9, nhiệm vụ của chúng ta là nhận diện và gọi được tên của tâm hành mỗi khi chúng phát khởi. Giống như mình ngồi trên bờ sông tâm hành và quan sát, chỉ nhìn và quan sát vậy thôi chứ mình không bám lấy chúng cũng không xua đuổi chúng dù chúng là tâm hành tích cực hay tâm hành tiêu cực. Nó xấu cũng đừng tìm cách đuổi đi mà nó tốt cũng đừng nắm giữ. Nhận diện tâm đây không còn là một cái gì trừu tượng nữa mà rất là cụ thể.
Phải luôn luôn có mặt để khi nào có một tâm hành biểu hiện thì mình phải kịp thời nhận diện không để cho nó tác yêu, tác quái. Như vậy là mình làm chủ được tâm.
10.Làm cho tâm hoan lạc
Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc. Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.
Bài thực tập này là sự tiếp nối của bài thực tập thứ 5 và thứ 6 nhưng nó đi sâu hơn vào những tâm hành khác. Trong con người mình có những tâm hành như: tha thứ, bao dung, niềm vui, hạnh phúc, tình thương,… Tất cả những cái đó rất quý giá. Cho nên chúng ta phải làm như thế nào để những tâm hành đó được phát triển và đi lên.
Mỗi chúng ta có bao nhiêu là tâm hành tốt ở trong mình: Vị tha, đại nguyện, đại trí, đại bi, tha thứ, bao dung, niềm vui, tình yêu, hạnh phúc.v.v.. nhưng mình không chịu phát triển nó mà cứ để cho đau khổ, buồn rầu chiếm cứ lấy. Đây chính là nội dung của bài thực tập thứ 10.
11.Đưa tâm vào định
Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.
Tâm của mình có thể bị phân tán và thất niệm, khi ấy ta dùng chánh niệm để đưa tâm trở về và đem tâm vào trong định. Khi tâm được tập trung, được gom lại thì tâm trở nên rất hùng tráng, từ đó có thể làm được những việc rất hữu ích. Cũng giống như ánh sáng, ánh sáng truyền đi bằng đường thẳng nhưng khi ta sử dụng thấu kính thì thấu kính đó giúp tập trung ánh sáng vào một điểm duy nhất. Một khi chùm ánh sáng hội tụ tại một điểm thì nó tạo nên một sức nóng rất lớn có thể đốt cháy một tờ giấy. Tương tự như vậy, những si mê, lầm lạc của mình một khi mình có định thì những si mê lầm lạc ấy bị đốt cháy.
Định có nhiều loại định: Định về không, định vô thường, định vô ngã, định tương tức, vô tướng, vô tác,… Chỉ cần có định thì phiền não sẽ bị đốt cháy.
Ví dụ: Khi mình giận người kia, mình muốn trừng phạt người kia, mình tính nói một câu để người ấy khổ một chút cho vui. Tại vì người kia dám làm cho mình khổ. Hoặc có thể mình đánh người kia một cái để cho người kia khổ, tại vì người kia dám làm cho mình đau khổ. Mình làm như vậy bởi vì trong mình có sự đau khổ giận hờn. Thì bây giờ mình sẽ thực tập một loại định gọi là định vô thường, mình nhắm mắt lại và bắt đầu thực tập:
Thở vào tôi quán chiếu để thấy được sau 300 năm nữa thì tôi sẽ trở thành cái gì?
Thở ra tôi quán chiếu cái người đứng trước mặt tôi sau 300 năm nữa sẽ trở thành cái gì?
Mà định vô thường đâu cần tới 300 năm. Chỉ cần vài chục năm nữa là mình và người kia đã thành tro cả rồi. Thấy thế thì tội gì mà lại đi giận nhau? Mình chỉ có mấy chục năm để chơi với nhau thôi, vậy mà bây giờ hai đứa giận nhau, muốn làm khổ nhau thì đó là chuyện rất là ngu dốt. Và mình chỉ cần cái định đó trong vòng hai giây thôi là cơn giận hờn kia nó tan biến. Khi mở mắt ra mình chỉ muốn ôm người đó vào lòng. Biết em còn sống anh mừng quá đi. Biết con còn sống mẹ mừng quá đi. Biết bố còn sống con mừng quá đi.
12.Cởi trói cho tâm giải thoát
Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do. Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do.
Tâm mình nó bị những sợi dây ràng buộc. Sợi dây sân hận, thù oán, tuyệt vọng làm cho mình đau khổ. Nhờ những cái định đó mà mình đốt cháy, mình tháo gỡ được, cởi trói được cho tâm, đó gọi là tâm giải thoát. Giống với hơi thở thứ 9 và thứ 10, hơi thở thứ 11 và 12 cũng thuộc về tâm hành
13.Quán chiếu về vô thường
Thở vào, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp. Thở ra, tôi quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.
Với hơi thở thứ 13 mình đi sang lĩnh vực của tri giác. Khi nhìn cây bút mình biết đây là cây bút, đó là một tri giác. Danh từ chuyên môn là Tưởng, Tưởng là một tri giác. Tưởng là một trong năm uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức – năm yếu tố tạo nên cơ thể.
Quán chiếu vô thường: Khi nhìn vào hình hài của mình, mình thấy nó là một dòng sông. Mỗi tế bào là một giọt nước. Mình thấy hình hài của mình không phải là một cái bất động mà là một dòng chuyển biến, qua đó mình thấy được tự tính vô thường, thấy được sự chuyển biến của cơ thể.
Vô thường và vô tướng là một phép quán rất mầu nhiệm. Tuy trong lý thuyết là sự vật vô thường, vậy mà mình vẫn cư xử như sự vật mãi là thường. Trên lý thuyết thì mình đều biết là cái người sống với mình đó mai mốt cũng sẽ chết nhưng trên thực tế mình cứ nghĩ người đó cứ sống hoài và mình đối xử tệ với người đó. Nếu mình biết người đó vô thường thì ngày hôm nay mình có thể làm những điều đem lại hạnh phúc cho người ấy, nếu để đến ngày mai thì quá trễ. Vì vậy cho nên quán chiếu vô thường đem lại rất nhiều hạnh phúc.
14.Quán chiếu vô dục
Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.
Vô dục có nghĩa là không đáng để cho mình thèm khát. Không đáng để cho mình theo đuổi. Còn mình thì như con thiêu thân, mình muốn lao mình vào mà không biết rằng làm như thế thì mình sẽ bị cháy xèo một cái. Cho nên phương pháp quán chiếu để giúp ta thấy được đối tượng của thèm khát kia vốn chứa đựng những hiểm nguy độc hại. Ví dụ con cá thấy một miếng mồi rất là hấp dẫn nó bèn tiến tới đớp một cái, đâu ngờ bị mắc câu? Mà hiện nay người ta bán những mồi câu bằng nhựa trông rất giống thật nhưng không phải là mồi thật. Vì vậy phải nhìn cho kỹ đối tượng mà mình đang theo đuổi. Đó là danh hoặc là lợi hoặc là sắc hoặc là dục. Tất cả đều có những hiểm nguy ở trong, nó không đáng để mình theo đuổi, không đáng để mình hy sinh cuộc đời vì nó. Cái đó gọi là quán chiếu vô dục. Khi quán chiếu vô dục được rồi thì mình có tự do, có thảnh thơi và hạnh phúc.
15.Quán chiếu vô sinh, Niết bàn
Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp. Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.
Đây là một pháp tu rất là mầu nhiệm. Bề mặt thì có tới có đi, có sinh có diệt, có còn có mất. Mà nhìn cho kỹ thì bản chất của vạn hữu là vô sinh bất diệt, không tới không đi, không có không không. Đây chính là đối tượng của Tâm Kinh Bát Nhã mà người tu tụng mỗi ngày
Ví dụ đám mây, bản chất của nó là vô sinh, bất diệt. Đám mây không phải từ không mà trở thành có. Trước khi nó là đám mây thì nó là nước của đại dương nhờ sức nóng của mặt trời mà nước bốc hơi, khi lên cao gặp khí lạnh nó ngưng tụ thành mây. Sự có mặt của đám mây chỉ là sự tiếp nối của sức nóng và nước thôi. Vì vậy đám mây không phải từ không mà trở thành có, đám mây chẳng qua chỉ là sự nối tiếp, bản chất của nó là vô sinh. Tại vì sinh là gì? là từ không mà trở thành có. Mà đám mây đâu có thể từ không mà trở thành có được? Không có cái gì từ không mà trở thành có được hết.
Tất cả chúng ta đều như vậy. Mình không tới từ không, cho nên nói từ hư không tới lại trở về hư không là không đúng. Đám mây thì không thể chết? Chết tức là từ có mà trở thành không. Làm sao mà đám mây trở thành không được? Đám mây chỉ có thể trở thành tuyết, trở thành mưa, trở thành sương mù, thành nước đá chứ mây không thể nào trở thành hư vô được. Vì vậy cho nên bản chất của đám mây là vô sinh, bất diệt. Bản chất của Đức Thế Tôn là vô sinh bất diệt. Bản chất của mình cũng vậy là vô sinh bất diệt. Khi thấy được bản chất của mình là vô sinh bất diệt thì mình không sợ hãi nữa mình sẽ đạt được sự vô úy. Không có sự sợ hãi thì hạnh phúc mới thật là toàn hảo.
16. Quán chiếu buông bỏ
Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ. Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ.
Buông bỏ đây là buông bỏ cái gì? Đó là buông bỏ những ý niệm, những ý niệm về trước về sau, về trong về ngoài, về sinh về diệt. Ta phải buông bỏ hết tất cả những ý niệm đó. Nếu mình sợ, mình buồn, mình lo là vì có những ý niệm. Khi tiếp xúc được với bản chất vô sinh rồi thì mình có thể buông bỏ được tất cả.
Ví dụ mình có một ý niệm về thời gian. Thời gian là một dòng trôi chảy liên tục nhưng vì mình có một ý niệm về thời gian cho nên mình mới chọn một điểm trong thời gian đó làm điểm sinh của mình. Và tại vì mình đã sinh ra rồi cho nên mình phải chết đi. Cho nên phải có một điểm nào đó gọi là tử. Rồi từ hai ý niệm sinh-tử, mình có ý niệm thọ mạng (kiếp). Mình có thể thọ 20 năm hay 100 năm. Từ đó mình nghĩ rằng trước khi sinh ra thì mình không có, mình chỉ có từ khi được sinh ra và mình sẽ chấm dứt khi mình chết, nghĩa là mình từ không mà trở thành có, rồi từ có lại trở thành không, thế nên mới có ý niệm : có-không; trước-sau; sinh-tử làm cho mình điên đầu. Vì vậy, buông bỏ ở đây là buông bỏ tất cả những ý niệm đó. Buông bỏ được thì mình trở thành một con người tự do, một người hạnh phúc, không còn sợ hãi nữa. Đó là hạnh phúc của một Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã dạy rằng hễ là con người thì ai cũng có thể đạt được tới cái đó hết.
Đây là cốt lõi của sự sống. Mình cần phải học hỏi thêm và phải đem áp dụng cho được vào đời sống hằng ngày thì cái hiểu của mình mới càng ngày càng sáng rõ.
TỔNG KẾT
Thiền là một bộ môn được cả thế giới chú ý đặc biệt trong những năm gần đây. Như các bạn đã biết Steve Jobs đã tập thiền từ những năm còn là thiếu niên hay những công ty nổi tiếng thế giới như Google, Facebook, Apple đều khuyến khích nhân viên tập thiền. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Sapiens Lược sử loài người” – Yuval Harari thậm chí còn đưa thiền là một trong 21 việc cần làm nhất trong thế kỉ hiện nay trong cuốn sách mới nhất “21 bài học cho thế kỉ 21” của mình.
16 phép quán niệm hơi thở được thiền sư Thích Nhất Hạnh nêu trong cuốn sách “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” này không phải là những gì chúng ta có thể học và thấu hiểu một sớm một chiều. Hãy thực hành và đọc đi đọc lại từng chương sách cho đến khi thực sự hiểu nó. Mình tin chắc chắn sẽ có một ngày chúng ta sẽ hiểu được và có thể ứng dụng cho bản thân.